Chiều mưa hạnh ngộ
Ơi, điệu “Lưu Thủy Trường” với tiếng đàn kìm gân guốc từng trải và tiếng đàn tranh trẻ trung tươi thắm, thật mê đắm làm sao...!
Nhạc sư Vĩnh Bảo và nghệ sĩ Hải Phượng đang tấu đàn tranh. Ảnh: Khánh Vân
Xe dừng trước cổng chung cư, chúng tôi ba người, trong đó có nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, gửi xe rồi lội bộ vào con hẻm sâu. Đón chúng tôi trước cửa nhà là một vị “tiên ông” tóc bạc phơ, áo bà ba nâu sòng đạm bạc. Đó là nhạc sư Vĩnh Bảo - người thầy khả kính của nhiều thế hệ nghệ sĩ ở miền Nam, nghệ sĩ có ngón đàn tranh tuyệt vời có một không hai trong lịch sử âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Đã hơn 92 tuổi rồi mà thầy vẫn thật minh mẫn, giọng miền Nam sang sảng, ấm cúng. Trong dáng hình nhỏ bé, giản dị, mộc mạc đầy chất Nam Bộ phóng khoáng đó, hàng chục năm qua, thầy sừng sững là một đại thụ của nhạc tài tử miền Nam, là quyển từ điển sống hết sức quý báu trong lòng các môn sinh và người mộ điệu âm nhạc truyền thống Nam Bộ với tiếng đàn nức tiếng sang trọng, sâu sắc, bay bổng. Bao giải thưởng, huy chương, những lời xưng tụng... dường như không đủ để nói hết về một nghệ sĩ suốt đời vì âm nhạc tài tử như thầy.
Mưa ngoài hiên vẫn thánh thót. Khói thuốc quyện bay cùng hương cà phê tỏa khắp phòng, nhạc sư Vĩnh Bảo bắt đầu buổi hàn huyên bằng tiếng đàn. Trao cây đàn tranh cho Hải Phượng, thầy với tay lấy chiếc đàn kìm rồi hai thầy trò so dây. Đây mới thật đúng là chất “tài tử” mà bất cứ ai cũng muốn được thưởng thức. Một thầy, một trò trong tiếng mưa chiều nặng hạt đã tấu lên những tiếng đàn thần tình. Khi tri âm ngộ tri âm, kìm - tranh hợp tấu, một thổ một kim làm say sưa hai khách đi chung.
Chúng tôi được nghe hai danh cầm đàn tấu mà không phải đến nhà hát, lại không phải ngồi ở hàng ghế phía sau chót “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, quả là diễm phúc ! Trước mặt chúng tôi đây, kề sát bên tai đây là những tấu khúc tuyệt vời, là khoảnh khắc hạnh phúc mà hiếm khi trong đời được nghe. Ơi, chiều mưa hạnh ngộ, ơi điệu “Lưu Thủy Trường” với tiếng đàn kìm gân guốc từng trải và tiếng đàn tranh trẻ trung tươi thắm, thật mê đắm làm sao !
Tiếng nhạc vừa dứt, thầy Vĩnh Bảo buột lời khen học trò Hải Phượng: “Tốt quá! Tốt quá!...”. Rồi thầy lấy cây đàn tranh, hào hứng so dây. Hai thầy trò rao Bắc.
Hai tiếng đàn tranh hòa quyện cũng với bản “Lưu Thủy Trường” nghe thích thú hơn hẳn. Cứ như là những dòng chảy của sông hồ đang nối tiếp trôi ra biển lớn, như những lớp sóng liên tục rượt đuổi nhau, khi nhẹ nhàng, khi chảy xiết, lúc “vướng cục đá” (theo lời thầy Vĩnh Bảo), lúc lên cung mây, phiêu diêu bềnh bồng... Tiếng đàn réo rắt của chị Hải Phượng được nâng lên đẹp thêm nhiều lần bởi tiếng đàn dìu dặt, trầm tĩnh của thầy.
Nghệ sĩ Hải Phượng
Chìm trong tiếng đàn của thầy trò Vĩnh Bảo - Hải Phượng, tôi cảm động đến rơm rớm nước mắt và cuối cùng lệ đã trào ra. Bản này bản Bắc, chẳng phải điệu oán điệu ai mà người nghe trở nên sầu bi? Ấy chính là vì niềm xúc động khi nhìn thấy hai thế hệ ngồi hòa đàn, mái đầu bạc trắng và mái đầu xanh đang thả hồn theo từng chữ nhấn, câu rung. Lòng tự hỏi rằng liệu mai này mình còn có cơ hội sống trong không gian âm nhạc này, trong buổi hạnh ngộ này dẫu cho bản Lưu Thủy vẫn cứ chảy hoài trong tiếng đàn của những thế hệ tiếp sau. Liệu có còn được gặp lại hình ảnh ríu rít, hồn nhiên của nghệ sĩ Hải Phượng và nét ung dung, tài tử của thầy Vĩnh Bảo?...
Dứt nhịp hòa âm, tiếng đàn vẫn còn vọng lại trong tiếng mưa mỏng. Ô hay, mình như bừng tỉnh một giấc mộng con! Rồi chúng tôi ngồi quây quần quanh thầy Vĩnh Bảo nghe ông kể chuyện. Hết chuyện đóng đàn, học đàn, những “chiêu thức”, những “ngón nghề” đàn hay... đến làm thế nào bảo quản tốt nhạc cụ cùng vài mẩu chuyện tiếu lâm làm bật ra những tràng cười nghiêng ngả...
Trước khi ra về, chị Hải Phượng biếu thầy gói cà phê.
Chúng tôi cũng kịp chụp chung với thầy tấm ảnh lưu niệm ngày đến thăm và nghe thầy trò chuyện, chơi đàn.
Tiếng nhạc chiều vẫn văng vẳng đâu đó trong lòng. Và khi nào “lưu thủy” lại có dịp tương ngộ “cao sơn”?
Nguyễn Hoàng Khánh Vân
(Theo Người Lao Động online)
Link: http://nld.com.vn/20120112100832814p0c1020/chieu-mua-hanh-ngo.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét