Yêu sao câu dân ca
Từ
khi tôi mới cất tiếng khóc chào đời đã được mẹ hát cho nghe những bài
ru à ơi đậm đà tình nghĩa. Khi lớn hơn chút nữa lại nghe bà, nghe mẹ hát
những bài lý, bài vè, những bài dân ca Việt Nam.
Và khi tôi trưởng thành, tôi có thể tự mình hát lên những bài hát mà
thuở ấu thơ tôi đã được nghe. Những làn điệu nhẹ nhàng mà sâu lắng,
thanh thoát của dân ca Việt Nam đã in vào trong ký ức tôi. Tôi thầm ao ước trở thành một ca sĩ để đem dân ca Việt Nam
đến với mọi người và để thỏa ước nguyện mà bà và mẹ tôi hằng mong.
Nhưng có lẽ tôi không có tài để trở thành người như thế nên tôi chỉ biết
tự mình thích và tự mình hát cho mình nghe, và chỉ có bà, mẹ và bạn bè
là khán giả mỗi khi tôi cất tiếng ca. Tôi yêu dân ca và những làn điệu
của nó. Tôi mong muốn được đi học hát dân ca, nhưng do hoàn cảnh tôi
không thể thực hiện được điều mà tôi yêu thích. Dịp may đã đến với tôi
khi bất ngờ tôi được thầy chủ nhiệm giới thiệu về lớp học dân ca tại
Cung Văn Hóa Lao Động vào sáng chủ nhật hằng tuần do câu lạc bộ Tiếng
Hát Quê Hương tổ chức. Nắm được sợi dây may mắn đó, tôi tức tốc tới đăng
ký học hát dân ca, môn học mà tôi hằng ao ước. Ở đây tôi được thầy cô
chỉ dạy tận tình, thầy chỉ tôi cách luyến, cách ngân một bài lý của mỗi
vùng miền khác nhau. Cô chỉ cho tôi những nốt nhạc, những thanh âm. Tôi
được học không chỉ dân ca miền Nam, miền Trung mà còn cả những làn điệu
quan họ mượt mà của miền Bắc. Làn điệu dân ca của mỗi miền đều có những
nét đặc trưng riêng, miền Bắc í a í ới duyên dáng với Người ơi Người ở
đừng về, Se chỉ luồn kim, Ngồi tựa mạn thuyền, Còn duyên... thì cũng có
những làn điệu sâu lắng của miền Trung như Lý con sáo Huế, Lý mười
thương... cho đến những giai điệu phóng khoáng, tươi vui của Lý đất
giồng, Lý ngựa ô, Lý cây bông... của miền Nam.
Tôi
được học những bài mà trước đây tôi chưa hề biết ngoài những bài thường
nghe bà và mẹ tôi hát. Đó là sự may mắn. Nhưng tiếc rằng thời gian học
của tôi quá ngắn, mỗi chủ nhật lớp chỉ có 2 giờ, nếu như thời gian được
kéo dài hơn thì hay biết mấy. Tôi không muốn xa thầy, xa cô và xa những
người bạn mới quen có cùng sở thích. Nhưng dù sao tôi cũng cám ơn thầy
cô. Nhờ thầy cô mà tôi hiểu ra rằng dù tôi đang nghe bất cứ loại nhạc
nào nhưng trước sau gì cũng đều trở về cội nguồn, trở về với dòng nhạc
dân ca truyền thống mà tôi đang cố góp một phần nhỏ bé để giữ gìn, mặc
dù tôi hát không hay nhưng người ta thường nói “Hát hay không bằng hay
hát” các bạn nhỉ?
Trần Thị Nhài - Lớp Dân Ca
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét