Yêu dấu Đàn Tranh
Tiếng
suối reo róc rách, tiếng nước chảy nhẹ nhàng, hay là một hơi thở dài
ngậm ngùi? Cũng có khi đó là chuỗi cười trong trẻo của cô thiếu nữ? Đều
đúng cả. Vì mỗi người đều có một cảm nhận riêng cho tiếng đàn tranh rải
dài từ cao xuống thấp. Thật phong phú và tinh tế làm sao!
Đàn tranh, một loại đàn trong kho tàng nhạc cụ của dân tộc Việt Nam
với 17 dây cao độ khác nhau đã thu hút ngày càng nhiều các cô gái và
không ít chàng trai theo học. Riêng tôi, từ thuở còn học cấp hai, đã bị
thu hút bởi dáng ngồi duyên dáng, bởi bàn tay mềm mại lướt trên các dây
đàn của các cô gái đàn tranh và nhất là bị mê hoặc bởi tiếng đàn lúc
trong vắt, lúc trầm buồn mà vẫn luyến láy những giai điệu thật mượt mà,
đằm thắm. Và tôi đã tìm cách đi học với bạn của người chị. Nhưng nhà cô
ấy xa, mình lại còn nhỏ nên gia đình không cho tôi tự đi học bằng xe
đạp, mà chở đi thì không có anh chị nào sắp xếp được cả. Thế là tôi đành
gác lại và cũng quên luôn niềm mong ước đó theo thời gian với những lo
toan cho việc học hành, tốt nghiệp, đi làm... Rồi một dịp đi dự giỗ đầu
của mẹ một người bạn tại ngôi chùa, nhìn thấy dãy đàn tranh treo thẳng
tắp ở tường, tôi chợt bàng hoàng thấy lại những hình ảnh của mong ước
xưa. Và giờ tôi đã thực hiện được điều mình ấp ủ từ thuở bé. Tất nhiên,
tiếng đàn của tôi còn non lắm, tay còn cứng lắm, thế nhưng điều đó không
làm tôi nản mà chỉ khiến tôi càng cố gắng hơn trong việc học đàn.
Xin
trân trọng cám ơn thầy Thanh Trí - trụ trì ngôi chùa Kim Cương - đã tạo
điều kiện tuyệt vời cho lớp học. Và càng trân trọng cám ơn cô Thúy
Hoan, nhà giáo ưu tú, bậc thầy về đàn tranh, người mà tôi không nghĩ
mình vinh dự được theo học trực tiếp. Cùng cô Lâm, thầy Minh Luận, các
anh chị lớp trên (và còn rất trẻ) trợ giảng, mỗi người một tính cách,
một nét đàn riêng nhưng tất cả đều cùng hòa nhịp, cùng góp sức vào cho
lớp đàn tranh được ngày càng tuyệt vời... Vô cùng cám ơn.
Ngày 29 tháng 07 năm 2007
Phan Thị Liên - Lớp đàn tranh chùa Kim Cương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét