ĐẾN VỚI SÁO TRÚC Ở CLB. TIẾNG HÁT QUÊ HƯƠNG
Trong
quá trình phát triển của đất nước ta, hay nói rõ hơn là nhân dân ta đã
có một đời sống tinh thần rất phong phú mà âm nhạc là món ăn tinh thần
không thê thiếu. Có lẽ ai cũng đã một lần nghe qua những giai điệu mộc
mạc của làng quê qua tiếng sáo trúc thánh thót giữa đồng xanh bát ngát
hay tiếng hò trên sông của cô lái đò. Tuy nhiên, theo sự phát triển của
đô thị và sự hội nhập văn hóa, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đã quen
với tiếng nhạc pop, nhạc rock và dần lãng quên những giai điệu của quê
hương. Tưởng chừng những âm thanh ấy sẽ trôi vào quên lãng. Thế nhưng...
không! Nó vẫn không mất đi khi mà còn có những người thầy đã gìn giữ và
truyền lại cho các thế hệ học sinh. Câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương ra
đời chính vì lý do đó.
Dù
chỉ sinh hoạt trong một không gian nhỏ nhưng chỉ cần bước vào câu lạc
bộ là như ta đang bước vào một không gian mênh mông của quê hương. Với
các môn học như đàn Tranh, đàn Nguyệt, Sáo trúc,… cộng thêm những khóa
học miễn phí, câu lạc bộ đã thu hút rất nhiều bạn trẻ. Là một học sinh,
tôi đã theo học lớp sáo trúc của thầy Trần Văn Sơn, với một ý nghĩ đơn
giản là học sáo có vẻ dễ hơn các môn khác, sáo cũng nhẹ và tiện để mang
theo. Thế nhưng, có học mới biết để thổi hết các nốt của sáo cũng cần 4
buổi học, dù vậy, bây giờ tôi cũng đã thổi được những đoạn nhạc ngắn với
tiết tấu chậm. Và để cho các bạn thành viên của câu lạc bộ quen biết
nhau hơn và có thể kết hợp giữa các môn học, chúng tôi có những buổi
sinh hoạt chung 2 tuần 1 lần do cô Thúy Hoan, chủ nhiệm câu lạc bộ,
hướng dẫn.
Tuy
hiện giờ trình độ của tôi chưa bằng các anh chị nhưng tôi vẫn cố gắng
phấn đấu. Xin cám ơn câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương cùng các thầy cô
giáo đã đưa cả tâm huyết của mình vào việc giảng dạy cho chúng em, công
việc của các thầy cô đã đem lại một “hồn quê” giữa lòng thành phố, khơi
dậy trong tâm hồn chúng em niềm tin yêu vào âm nhạc dân tộc của nước
mình.
Nguyễn Hàm Bảo Tùng - Lớp Sáo Trúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét