SAU CÁNH GÀ CÓ DÁNG THẦY TÔI…
Chưa bao giờ tôi thấy một người nghệ sĩ lớn lại kiêm luôn công việc kéo màn sân khấu cho học trò mình biểu diễn…
Chưa bao giờ tôi thấy một người nghệ sĩ lớn lại đi chỉnh từng cái ghế, sửa từng cái giá nhạc để học trò mình có chỗ ngồi đẹp đẽ, thoải mái hơn trên sân khấu…
Chưa
bao giờ tôi thấy một nghệ sĩ lớn lại kiêm luôn công việc của một hậu
đài, lo từng chi tiết cho buổi trình diễn âm nhạc dân tộc được hoàn hảo
đến nỗi quên mất rằng mình chưa tô chút son môi…
Sau cánh gà sân khấu ấy luôn có bóng dáng một người…
Thầy tôi – nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan.
1. NGƯỜI HẬU ĐÀI CẦN MẪN
Không
ai lại không biết Thầy tôi có ngón đàn tuyệt mỹ. Không ai lại không
biết Thầy nghiêm khắc trong giảng dạy, nhưng sống giản dị chan hòa.
Không ai lại không biết Thầy thương học trò như con, biết tính tình qua
tiếng đàn của từng đứa…
Nhưng ít ai biết, Thầy tôi là một người “hậu đài” có thâm niên!
Từ
nhỏ đã theo học Thầy, xem Thầy như mẹ mình, xem nhà Thầy như mái nhà
thân thương của mình, thì có bấy nhiêu lần tôi được xem cái “nghề tay
trái” của Thầy. Người khác có thể nhìn thấy… rồi vô tư quên đi như cơn
gió nhẹ thoảng qua cành lá. Nhưng tôi thì luôn ghi nhớ cái hình ảnh đó
của Thầy trong tim. Cái hình ảnh từ lâu đã trở thành một tiềm thức không
bao giờ phai nhạt dẫu cho cuộc sống bắt mình có nhiều điều phải nhớ.
Anh
có thể hình dung được không một người phụ nữ nhỏ bé mà lo từ A đến Z
công tác hậu cần sân khấu – công việc đáng lẽ phải giao cho người đúng
nhiệm vụ thực hiện? Và anh hình dung nổi không Thầy tôi một mình kéo tấm
màn nhung nặng nề trước giờ khai mạc chương trình?
Chị
có hình dung được không vẻ mặt âu lo của một người Thầy dành cho những
chi tiết nhỏ nhất trong buổi biểu diễn, mà đáng lẽ ra công việc ấy không
nhất thiết phải phiền đến sự chỉ đạo của Thầy: huy hiệu cài áo đâu, tóc
tai đã phù hợp, gọn gàng hay chưa, cả đến gương mặt trang điểm đậm,
nhạt thế nào?
Em
có hình dung được không đôi môi cười rạng rỡ, đôi mắt sáng long lanh
hạnh phúc bên trong cánh gà sân khấu của người Thầy ấy khi học trò mình
thể hiện xong những tác phẩm nghệ thuật được khán giả vỗ tay tán thưởng
nồng nhiệt? Hạnh phúc đến nỗi người Thầy cứ gõ cái song lang liên hồi
chẳng chịu ngưng! Rồi sau đó lại loay hoay đi xếp chỗ ngồi cho tiết mục
kế tiếp…
Đã
bao lần nhìn thấy hình ảnh ấy, tôi lại muốn chạy đến ngay bên Thầy mà
ôm Thầy vào lòng, chỉ để nói rằng: “Con thương Cô lắm Cô ơi!”. Nhưng
bước chân sao cứ chùng đi, bởi Thầy tôi vẫn còn bận rộn, vẫn đang có
những tiết mục sau đó đợi chờ, và Thầy phải có mặt cạnh bên. Chắc hẳn
nhiều người sẽ thắc mắc rằng sao Thầy tôi ôm đồm chi cho khổ? Còn biết
bao nhiêu người Thầy có thể phân
công những công việc để mình đủ thì giờ tập trung hoàn toàn vào chuyên
môn. Nhưng tính cách cầu toàn trong nghệ thuật không bao giờ khiến Thầy
tôi an tâm khi chưa kiểm tra đầy đủ hết mọi việc. Hoàn hảo - vẫn luôn là
tiêu chí hàng đầu của Thầy. Người ngoài không biết có thể nói rằng Thầy
tôi làm việc không chuyên nghiệp (chuyên nghiệp về phương diện tổ
chức), nhưng có là người trong cuộc mới hiểu và thấy thương Thầy thật
nhiều. Cái hoàn hảo đó là gì mà suốt đời Thầy tôi theo đuổi mãi không
thôi? Cứ mỗi lần có một chương trình nào là tôi thấy rõ vẻ mất ăn mất
ngủ hiện trên gương mặt của Thầy, gương mặt đã không còn nét thanh xuân
nữa rồi…
2. MỘT ĐỜI TRĂN TRỞ
Cái
hoàn hảo mà Thầy tôi luôn muốn thực hiện không nằm ngoài những tiêu
chuẩn Đẹp – Hay – Ý nghĩa – Chuyên nghiệp về tổ chức & biểu diễn và
quan trọng nhất là phải mang đậm tính cổ truyền dân tộc. Tiếng Hát Quê
Hương đã là một trong những đội quân tiên phong trong phong trào chấn
hưng nhạc dân tộc, đưa nhạc dân tộc trở nên phổ biến và gần gũi với tất
cả mọi người. Nhất là việc kêu gọi, hy vọng thế hệ trẻ quay lại với tinh
hoa vốn cổ của cha ông. Thầy tôi từng đi nhiều nước trên thế giới biểu
diễn nhạc dân tộc, được thấy, được nghe những phương cách hay trong việc
tổ chức biểu diễn âm nhạc cổ truyền ở nước bạn mà chạnh lòng chua xót
cho nền âm nhạc cổ truyền ở nước mình. Biết đến bao giờ mới có được sự
đầu tư, quan tâm hết lòng của mọi người đối với nhạc dân tộc, một vốn cổ
đang dần bị lãng quên trước cơn sóng ồ ạt của những âm thanh hiện đại,
những điệu nhảy tân kỳ?
Thầy
tôi ở tuổi về nhàn mà có được nhàn đâu! Nỗi trăn trở không thể nào giấu
kín được bất kỳ ai. Nó hiện diện trên mái tóc Thầy, trên bàn tay Thầy,
trên nét mặt Thầy, trong giọng nói Thầy và cả trên thân hình gầy guộc
nhỏ của Thầy nữa. Tôi từng nghe một câu nói: “Đôi vai của người phụ nữ nhỏ bé lắm em à!”.
Vâng, vai người phụ nữ nào mà chẳng yếu mềm, nhưng sức gồng gánh của nó
thì ai có thể ngờ tới được. Đôi vai mỏng manh như vậy mà gánh cả quê
hương suốt cả đời mình không mỏi mệt. Ôi Thầy tôi! Đôi vai nhỏ bé của
Thầy rất cần những đôi vai khác chung sức chung lòng, nhưng rồi sẽ có
mấy ai “hiểu” ra điều đó hở Thầy? Tôi biết Thầy tôi vẫn đang trên hành
trình tìm kiếm những người cùng chung chí hướng với mình, cùng chung
niềm đam mê và thật phải có tâm huyết với cái mình theo đuổi, và lẽ dĩ
nhiên, phải có nhiều sức khỏe để đảm đương công việc khó khăn đó. Ngoài
những người trẻ ra thì còn ai nữa!
Không
chỉ Thầy tôi mà bất kỳ người Thầy nào cũng mong muốn những người trẻ
tuổi tiếp tục công việc đầy thử thách nhưng đem lại nhiều lợi ích cho
dân tộc mình. Ngay bây giờ tận mắt chứng kiến việc làm của các Thầy,
nhưng thời gian còn bao lâu để có thể thấy các Thầy không tiếc sức mòn
rút ruột nhả tơ, như những con tằm dệt đẹp tấm lụa đời cho muôn sau?
Nhìn lại thế hệ mình, chúng tôi lấy làm hổ thẹn. Chúng tôi đã quá thờ ơ
với những giá trị làm nên một nền văn hóa độc đáo của dân tộc mình,
chúng tôi đã quá hững hờ trước sự sống còn của những giá trị cổ truyền
sắp rơi vào quên lãng và thậm chí, mai một dần. Chúng tôi còn đang luẩn
quẩn trong cái gì vậy? Khi mà nỗi trăn trở của Thầy đang đi song song
cùng sự thờ ơ lạnh nhạt của thế hệ trẻ hôm nay, tôi nhìn thấy trước mặt
mình là mênh mông biển lớn, biết có con thuyền nào vững chãi đưa người
vượt sóng ngàn khơi? Tự dưng lòng mình cũng đau như lòng Thầy, chẳng
biết tại sao lại thế?
Tôi
để ý rằng những người có tâm huyết như Thầy tôi, đôi mắt lúc nào cũng
chất chứa vạn nỗi niềm. Bạn hãy nhìn thử đôi mắt của Thầy tôi mỗi lần
nói chuyện với chúng tôi về nhạc dân tộc đi! Bạn nhìn xem, cái ánh nhìn
xa xăm trông đợi, cái ánh nhìn mong manh những tia hy vọng sống còn làm
cho mình cảm thấy bứt rứt rất nhiều. Bứt rứt vì thấy mình chưa thể làm
gì giúp đỡ Thầy, bứt rứt vì chợt nhận ra ánh mắt sâu thẳm đầy tư lự, bấy
nhiêu ánh mắt là bấy nhiêu điều Thầy muốn nói mà khó nói cho hết lời.
Ngồi bên Thầy, nghe câu chuyện của Thầy, tôi càng nghiệm ra những gì
Thầy tôi nghĩ. Không cần phải giải thích, nhưng tự trong lòng hai thầy
trò đã có những cảm ngộ tợ như nhau! Tôi biết chừng nào Thầy còn sức
lực, Thầy sẽ mãi không bao giờ chịu ngồi yên với chữ “Nhàn”! Có lẽ, cái
“Nhàn” của Thầy là nghiên cứu xem cách gì có thể phát triển nhạc dân tộc
đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ. Cái “Nhàn” đó, có phải nó là cái nhàn giữa cuộc rối không hở Thầy?
3. THẦY TÔI CÓ BIẾT BAO MƠ ƯỚC
Thầy
tôi cũng như mọi người, có nhiều mơ ước lắm. Những mơ ước tôi thấy được
hầu hết là sau cánh gà. Sau “cánh gà” của sân khấu, sau “cánh gà” của
lớp học, sau “cánh gà” của ngôi nhà nhỏ, sau “cánh gà” của trái tim… đều
chất chứa bao mơ ước. Nhưng mơ ước ấy chẳng phải mơ ước cho riêng mình.
Mơ ước cho nhạc dân tộc nước mình, mơ ước cho người Việt Nam
mình và cả mơ ước cho học trò mình. Thầy tôi luôn lo lắng rằng mơ ước
nhiều quá, chỉ sợ chưa thực hiện được hết như mình đã đợi mong.
Thầy
ơi con rất hiểu! Bao lần Thầy trút hết lòng nói cho con nghe tâm tư với
nhạc dân tộc mà nước mắt như chực trào ra, môi cứ run run và lòng mãi
thở dài. Nhạc dân tộc vẫn còn đó, nhưng rồi biết đi về đâu? Thầy im lặng
nhìn con. Con im lặng nhìn Thầy. Nhìn nhau mà thấy xót xa. Con không
gánh trách nhiệm trên vai to lớn như Thầy nên chắc chắn sẽ chưa cảm nhận
được hết điều Thầy đang nghĩ, nhưng có mơ ước nào của Thầy mà con không
biết đâu!
Thầy tôi nằm trên giường bệnh mà cứ luôn miệng nói rằng:
“Không biết tụi nhỏ tập tành ra sao, không yên tâm gì cả! Tội nghiệp
chúng nó bài vở nhiều, mà ngày diễn ngày thu đến gần, không có mình đi
quản lý việc thu âm thì ai có thể biên tập cho chính xác đây?”. Thầy
mơ ước mình có thể đến cùng học trò để trực tiếp theo dõi quá trình làm
nhạc, xem có cẩn thận không, nghe xem có ai thu âm mà đánh trật nhịp
không…
Thầy tôi chỉnh sửa giấy mời cho chương trình biểu diễn thường kỳ: “Sao Cô chỉnh hoài mà nó cứ lệch mãi vậy con?”. Thầy tôi mơ ước một chương trình nhạc dân tộc có đầu tư và chuyên nghiệp hoá tất cả các khâu.
Thầy tôi sửa ngón đàn và cách ngồi cho từng học trò: “Tay
đánh phải cho thoải mái uyển chuyển, chú ý tay trái rất quan trọng. Khi
đàn phải đặt hết lòng mình vào tiếng đàn thì tự nhiên sẽ có thể diễn tả
tâm trạng, kỹ thuật của bài!”.
Thầy tôi mơ ước một tác phong học tập, biểu diễn bài bản chuyên nghiệp
và có phần sinh động với mỗi tác phẩm từ các học trò. Và nhất là sự mong
mỏi học trò mình có được tình yêu với nhạc cổ truyền.
Thầy
tôi đứng canh sân khấu to hay nhỏ, Thầy đi sửa ghế ngồi, Thầy kiểm tra
âm thanh của mỗi cây đàn… Thầy tôi mơ ước có một sân khấu lý tưởng cho
chúng tôi thỏa chí tung hoành những gì đã học tập và rèn luyện hầu giới
thiệu cho mọi người đều biết.
Thầy
mơ ước Thầy còn sức khỏe để tiếp tục công việc của mình, cái “Nghiệp”
của mình. Chỉ mơ ước ấy là riêng cho Thầy nhưng lúc nào cái riêng ấy
cũng hướng về toàn thể cái chung của nhạc dân tộc cả.
Con cũng có ước mơ: con mơ ước tất cả những ước mơ ấy của Thầy sẽ sớm ngày tươi sáng, sẽ phát huy, phát triển không ngừng!
Bạn thích hình ảnh nào của Thầy tôi?
Bạn đã hiểu được Thầy tôi qua những góc cạnh nào?
Bạn có muốn ôm Thầy vào lòng ngay lúc này không?
Nhưng xin bạn hãy nhớ, hãy luôn ghi nhớ trong tim để yêu thương, rằng:
“Có
một người phụ nữ nhỏ bé, trước mỗi buổi biểu diễn cứ loay hoay mọi công
chuyện cho thật hoàn hảo mà quên mất rằng mình chưa tô chút son môi…”.
KHÁNH VÂN – PHƯƠNG THẢO
Thương tặng Cô của chúng con nhân dịp sinh nhật lần thứ 65
26/06/1942 – 26/06/2007
trantruongca wrote on Nov 21, '08
Trả lờiXóaCó gì quí hơn lời lẽ chân thành xuất phát tự đáy lỏng của những môn sinh, thấy được lòng tận tụy của Thầy các chau, trong lúc truyền đạt nghệ thuật hay những hôm biểu diễn trên sân khấu !!!?
Thầy thuong chuc cho Thúy Hoan thỏa được ước nguyện của Em
Thầy TVK