Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

GIỮ GÌN CÂU HÁT DÂN CA

GIỮ GÌN CÂU HÁT DÂN CA


Không hiểu vì sao tôi lại yêu những câu hát dân ca? 

Dân ca là một phần máu thịt của tôi, là những câu hát à ơi từ thuở nằm nôi mẹ ru tôi ngủ. Tôi yêu những câu hát ấy cũng như tôi yêu mẹ. Mẹ đã cho tôi hơi thở của cuộc sống và đồng thời cũng cho tôi cảm nhận được tình thương qua những câu hát dân ca. Ôi những câu chữ mộc mạc, như lời tự sự, như tiếng tâm tình về quê hương đất nước mình, về những tình cảm cao đẹp trong cuộc sống như tình gia đình, tình bạn bè, tình yêu đôi lứa trong sáng...

Trong cuộc sống hối hả của nền kinh tế thị trường, có lúc tôi khao khát cuộc sống giản dị và chân thật; khi tôi mệt mỏi, buồn chán thì lời ca tiếng hát ấy như động viên tôi xua đi nỗi buồn. Dân ca gợi lên những hình ảnh tốt đẹp của con người, bản sắc dân tộc Việt Nam. Tôi đến với lớp học dân ca là sự ngẫu nhiên tình cờ nhưng trong tôi từ lâu đã có một tình yêu chân thành đối với nó. Bên trong mỗi bài hát chứa đựng tâm tư tình cảm của lối sống tích cực đối lập với lối sống thực dụng. Và thế hệ trẻ 8X chúng tôi vẫn luôn khao khát được cống hiến, xây dựng đất nước, căm ghét bất công, lối sống thiển cận, ích kỷ cá nhân cho nên khi tìm đến với dân ca là chúng tôi cũng muốn góp phần gìn giữ giá trị cuộc sống của những bài hát này, giúp cho chúng tôi yêu đời hơn, hiểu về dân tộc mình hơn để từ đó bíêt thương quê hương mình hơn.

Đến với lớp học tôi cảm nhận được tình cảm thân ái giữa các bạn trong lớp, sự đoàn kết chia sẻ như trong một gia đình. Tôi thầm cảm ơn rất nhiều công lao của cô Hoan, thầy Hòa và các anh chị trong câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương đã tâm huyết xây dựng, tuyên truyền, phổ biến nhạc dân tộc, trong đó có bộ môn dân ca, là cái gạch nối để chúng em đến với nét văn hóa dân tộc. Lớp học với tinh thần tự giác, cả thầy lẫn trò thật nghiêm túc, chứa chan tình thân ái. Em mong sao mái nhà chung này sẽ tiếp tục phát triển, là sân chơi bổ ích để giáo dục thế hệ măng non gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc. Chúng ta không nên để bản sắc ấy dần mất đi khi đất nước đã và đang hội nhập quốc tế, sẽ có rất nhiều làn sóng văn hóa du nhập vào nước ta, liệu chúng ta có giữ được bản sắc riêng của Việt Nam hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào mỗi người chúng ta gìn giữ các giá trị truyền thống, dân gian ấy như thế nào. “Chúng ta hòa nhập nhưng không hòa tan” nhé!

Em yêu dân ca có lẽ vì nó gắn bó với em từ thuở còn thơ. Em cảm nhận nét đẹp của nó cũng như cảm nhận được nét đẹp dân tộc mình.Vì vậy để phát triển và bảo tồn dân ca theo em nên đưa bộ môn này vào trong trường học, nhất là các trường tiểu học, trung học. Sau mỗi bài học có bài thảo luận, phân tích ý nghĩa nội dung bài hát bởi chúng ta có hiểu mới cảm nhận và yêu nó. Chúng ta cũng nên cùng nhau phổ biến rộng rãi dân ca dưới mọi hình thức, phát huy sáng tạo phong cách biểu diễn bài hát nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng, thể hiện bài hát một cách chân thành và có hồn, dễ đi vào lòng người. Bằng những cách đó dân ca mới đi sâu vào cuộc sống của mỗi người Việt Nam và duy trì được sức sống của nó trong thời đại công nghiệp hóa ngày nay.


Phan Thị Việt Thảo - Lớp Dân Ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét