Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

TA NGỒI NGHE TRỐNG VIỆT NAM…

TA NGỒI NGHE TRỐNG VIỆT NAM…
 
 
Trống Việt Nam…
Bộ gõ Việt Nam…
Tâm hồn Việt Nam, những tâm hồn sâu sắc và tế nhị…
Gửi trọn trong buổi gặp gỡ tuyệt vời này!
 
TRỐNG, PHÁCH GỬI HỒN THEO Ý NHẠC
CHÉN NGÂN, LỤC LẠC CŨNG REO VUI

“Thùng thùng thùng thùng… thùng thùng thùng, cắc thùng!”

Tiếng trống gõ liên hồi dồn dập hòa cùng tiếng lục lạc rộn ràng khiến ta cứ tưởng mình như đang ngồi trên lưng ngựa tung vó phi nhanh. Con ngựa ô Việt Nam vừa dũng mãnh vừa duyên dáng, sải từng bước trong âm thanh của trống, của phách, của đàn tranh: 

“Khớp con ngựa ngựa ô, khớp con ngựa ngựa ô. Ngựa ô anh khớp, anh khớp kiệu vàng. Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen, búp sen lá dặm, dây cương nhuộm thắm, cán roi anh bịt đồng thoà. Là đưa í a đưa nàng, đưa nàng, anh đưa nàng về dinh…”.

Đôi tay lướt trên những phím tơ tranh nhịp nhàng thoăn thoắt tựa như lòng náo nức của cô thiếu nữ chuẩn bị “theo chàng về dinh”, đôi tay biến ảo của người nghệ sĩ cầm dùi trống diễn tả cái vui mừng, hồi hộp của chàng trai khi “tra khớp bạc, kiệu vàng” đón người thương yêu; hai đôi tay ấy nhịp nhàng hoà điệu cũng đủ để trái tim ta rung động. Màn đi trống điêu luyện, tiếng đàn tranh réo rắt làm sôi động lên bầu không khí thưởng thức nhạc dân tộc với chủ đề giới thiệu về bộ gõ. Trước bài hoà tấu dân ca “Lý Ngựa Ô” , điệu nhạc cổ miền Nam “Khổng Minh Toạ Lầu” đã gây không ít ngạc nhiên cho khán thính giả bởi sự phối hợp tài tình giữa tiếng đàn tranh quen thuộc và tiếng lách cách từ những cái chén nhỏ làm bằng sứ. Bên đàn bên chén, hai âm thanh tuy khác nhau nhưng lại có thể hoà quyện cùng nhau, đối đáp nhau. Quả là có sức cuốn hút! Tiếng vỗ tay của khán giả cho hai nhạc phẩm mở đầu chương trình làm những thành viên Tiếng Hát Quê Hương tham gia biểu diễn tràn ngập niềm vui sướng. Bước xuống sân khấu rồi mà trên gương mặt ai cũng rạng rỡ nụ cười. 

SANH SỨA VỀ ĐÂY CÙNG TỤ HỘI
BỘ GÕ VIỆT NAM NGẤT NGÂY ĐỜI 
 
Và những màn múa đậm phong cách dân tộc của nhóm Hoa Bách Hợp với bộ gõ trên tay, những điệu sáo uyển chuyển hợp cùng nhạc cụ dây, nhạc cụ gõ, những lời ca ca ngợi con người, quê hương Việt Nam lần lượt vang lên trong phần trình diễn chào đón tất cả mọi khán giả đã thương mến đến nghe nhạc dân tộc trong chương trình Hoa Quê Hương 25 lần này. Đặc biệt là chiếc sanh sứa, một nhạc cụ gõ lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Tiếng Hát Quê Hương trong bài Hồn Quê làm khán giả hứng thú và tò mò. Theo lời nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan, chiếc sanh sứa mà THQH biểu diễn ngày hôm đó do GS Trần Văn Khê mang từ Hà Nội vào tặng cho câu lạc bộ để tăng thêm phần phong phú cho việc biểu diễn nhạc dân tộc. Âm thanh của nhạc cụ này phát ra do gõ hai thanh tre với nhau, có 2 cách gõ: kiểu cổ điển là dùng 2 thanh tre rời gõ vào nhau, kỹ thuật thì điêu luyện, biến ảo; kiểu mới là ghép hai thanh làm một nhưng kỹ thuật thì đơn giản hơn cách gõ tách rời. Cái tiếng đập vào nhau của sanh sứa có một nét thu hút riêng, không chỉ sử dụng trên sân khấu mà ta còn có cảm tưởng như mình đang dạo bước ở núi rừng, khoan thai nghe tiếng tre trúc gõ nhịp hoà ca trong gió…


Sau phần trình diễn của Tiếng Hát Quê Hương, phần chính yếu của chủ đề bộ gõ được giới thiệu súc tích qua lời dẫn giải của GSTS Trần Văn Khê. Một điều rất rõ mà hầu hết khán thính giả nhận thấy trong chương trình ngày hôm đó là GS Khê tuy đã cao tuổi mà nhiệt huyết dành cho âm nhạc dân tộc vẫn trẻ mãi với thời gian. Nhìn cách Thầy vừa nói chuyện vừa minh hoạ trực tiếp qua tiếng trống khiến khán giả bên dưới, không ai là không xúc động…

“Hôm nay nói chuyện về bộ gõ trong âm nhạc truyền thống, đặc biệt là tiếng trống Việt Nam cho các bạn và các cháu nghe, tôi lấy làm vui lắm. Vui vì không những ngồi trong khán phòng đây là các bác lớn tuổi, các bạn bè thân hữu, các học trò của tôi mà còn có các cháu trẻ đến nghe. Các con thấy đó, Thầy dạy trong trường là cái khác nhưng khi trên sân khấu này các con lại được học một kiểu khác, học trực tiếp mắt thấy tai nghe, học ngoài bài bản đã được biết!”.

Trống là một nhạc khí tạo ra tiết tấu và nhịp điệu. Chẳng những nó có hình thức cấu tạo khác nhau mà chức năng nghệ thuật ở mỗi nước cũng không giống.Trống được chia làm hai loại: một mặt da và hai mặt da. Có trống sử dụng dùi để gõ, nhưng cũng có loại sử dụng tay để vỗ như trống Ấn Độ, trống Châu Phi. Riêng với trống Việt Nam mà theo GS Trần Văn Khê thì đó là “tiếng trống vô cùng độc đáo” bên cạnh tiếng trống tinh vi của Ấn Độ. GS Khê cũng từng nói: “Trống Việt Nam với với sự đa dạng về hình thức, độc đáo về màu âm và phong phú về chức năng mà ít có nơi nào trên thế giới sánh bằng”. Hẳn điều đó đáng là một niềm tự hào lớn lao đối với nền nghệ thuật của dân tộc Việt. 

Đa dạng về hình thức là như thế nào?
 
GS Khê đã miêu tả lại cái bồng độc đáo trong Đại nhạc cung đình và nhạc lễ miền Nam, lại giới thiệu về sự đa dạng của Đại cổ và Tiểu cổ trong trống chiến của hát bội, trống chầu của ca trù, trống đế trong chèo… và nhất là trống cơm - một loại trống xuất hiện trong bài dân ca Bắc Bộ “Trống Cơm” mà hầu như người Việt Nam nào cũng quen thuộc, nhưng lại ít để ý tới nó là cái trống như thế nào. Để có được màu âm êm ái, trên mặt trống có dán một ít cơm nghiền hay bột mì trộn nhuyễn. Thầy cũng nhấn mạnh về việc trống được sử dụng nhiều nhất trong dàn Đại nhạc của cung đình, có đủ loại hiện diện theo từng trường hợp cụ thể ra sao.

Độc đáo về màu âm là như thế nào?

 
“Chấm câu: Tong, thởn, tùng, thùng,
Đánh Tang, táng, thỏng sáng bừng màu âm
Táng nghe vui sướng trong tâm,
Tong gieo hốt hoảng, lúc dâng giận hờn.
Dùi chặn tiếng Tịch nghĩ buồn,
Nghẹn ngào, uất ức… trăm đường ưu tư.
Cắc là tươi tắn chuyển lưu,
Rù là gió thoảng đang vi vu kìa!
Âm – Dương hoà thuận mọi bề
Biết câu Thủ, Vĩ quả nghề trống hay!
Ứng tấu ứng tác thêm say,
Chân phương, hoa lá lại đây hoà tình.
Đẹp sao tiếng trống của mình,
Tiêu dao, khoáng đạt, muôn hình muôn thanh!”
 
Phong phú về chức năng là như thế nào?
 
Khi còn nhỏ ai mà không nghe qua tiếng trống khai trường mỗi độ thu sang, ai mà không mong nhớ tiếng trống vào học, tiếng trống tan tầm? Cuộc sống ngày xưa đâu có thể không nghe tiếng trống điểm canh, tiếng trống chèo mời gọi mỗi buổi chiều, tiếng trống “thu không”, tiếng trống báo hiệu tin tức vui, buồn… nơi làng xóm. Trong chiến trận, thể nào lại thiếu tiếng trống cầm quân? Trống thúc giục tinh thần người chiến sĩ, trống vang rền khí thế của ba quân, trống lệnh chỉ huy những lần xông pha trên mặt trận đối đầu cùng cường địch… Và nhất là trong nghệ thuật dân tộc tinh tế ngày xưa: Chèo, Hát bội, Ca trù, không có tiếng trống làm sao mà diễn tả nỗi lòng cho được? Biết bao nhiêu nữa, kể mấy cho vừa?

Những giọt nước mắt, những xao động trong tâm ở cái đẹp của nghệ thuật cũng thể hiện xuất thần qua tiếng trống. GS Khê vui vẻ kể về việc thưởng thức Ca trù của một số khán giả Pháp: “…Họ đến bảo với tôi rằng, tuy họ là người ngoại đạo, không hiểu rõ về Ca trù như người Việt, nhưng qua tiếng trống chầu họ cũng biết được rằng đâu là cái đẹp, cái hay. Họ biết khi quan viên cầm chầu nghe cô đầu hát mà điểm hai tiếng trống nghĩa là hai giọt nước mắt rớt xuống (song châu), điểm liên hồi có nghĩa là cô đầu hát hay quá, rúng động tâm thần rồi thì nước mắt chảy liên hồi để diễn tả sự tán thưởng (liên châu). Hát một câu làm bồi hồi trong tâm khảm, thì là cách phê trống xuyên tâm…”.
Người Pháp mới nghe mà thưởng thức được như vậy, người Việt còn tinh tế đến đâu?

TIẾNG BỒNG, TIẾNG TRỐNG NHƯ VANG MÃI
AI KHÉO HÒA NÊN ĐIỆU ĐẤT TRỜI
 

Cùng với sự dẫn dắt của người diễn giả có duyên, đội nhạc lễ Gò Vấp của nghệ sĩ Nhứt Dũng bằng tài năng của mình đã thể hiện cho tất cả mọi người thấy những gì tuyệt vời nhất trong tiếng trống, tiếng kèn, tiếng bồng… dùng trong nhạc cung đình. Bản “Nghinh thiên tiếp giá” mở đầu là lời chào khán giả của các nghệ sĩ. Nhạc phẩm này chỉ dành tấu lên lúc Vua xa giá, nay được tấu lên trên sân khấu này, chẳng phải khán giả được xem là những ông vua ư? Những ông vua yêu nhạc dân tộc, ngồi đây để thưởng lãm cái tinh vi nghệ thuật nước nhà. Như vậy hỏi sao quốc gia không hưng thịnh! Rồi nào trống văn trống võ, có âm có dương hội tụ về để trưng ra những gì tinh tuý nhất của tiếng trống Việt Nam. Điểm đặc biệt và là cái tâm của phần biểu diễn nhạc lễ chính là tài vỗ bồng của nghệ sĩ Nhứt Dũng. Ai có tận mắt chứng kiến, nghe tận tai mới cảm nhận được cái hồn cái khí trong tiếng bồng tuyệt diệu đó. Người nghệ nhân lúc vỗ nhẹ tay tạo ra thứ âm thanh nhịp nhàng tự tại, lúc vỗ nặng tay thể hiện cái “hùng khí” động lòng người, lại khéo léo hợp cùng âm thanh của dàn trống lễ, tiếng đàn nhị mượt mà, tiếng thanh la, mõ sừng trâu… khiến cho không khí khán phòng bỗng chốc hoá thành một ngày lễ thiêng liêng. GS Khê đã có những lời bình luận về nghệ thuật vỗ bồng của nghệ sĩ Nhứt Dũng – con trai nghệ nhân Tám Nhứt mà các bài báo đã đưa tin: “Tiếng bồng tưởng chết lịm cùng thời gian, nay sống lại dưới bàn tay của Nhứt Dũng. Trống Việt Nam chân phương mà hoa lá. Khi tôi mời các vị đại sứ đến nghe những điệu trống cổ, họ lắc đầu bái phục vì chưa từng được nghe những tiết điệu như vậy bao giờ…”. Nghe lời nhận xét đó, người sành nghệ thuật dân tộc lại nhớ về các nghệ nhân, nghệ sĩ với tài vỗ bồng thật khó khi xưa như nghệ sĩ nhân dân Ba Vân - một nghệ sĩ xuất sắc của cải lương Nam Bộ. Phải rồi, khán giả trong giây phút ấy cũng lắng nghe được hồn khí của người Việt mình. Đó không phải là cái gì xa lạ, mà chính là cá tính của dân tộc mình, cá tính Việt Nam không lẫn đi đâu được. Chúng ta tưởng chừng như đang loanh quanh ở những nơi nào đó, chưa thấy được hướng đi, chính tiếng trống, tiếng bồng là người dẫn đường đưa ta về lại bản tính của ta: rất Việt trong một tâm hồn Việt!

PHÙ ĐỔNG VANG RỀN TUNG VÓ NGỰA
NGƯỜI SAY, ĐIỆU NHẠC CŨNG THÊM SAY 
 
Luận về “Thầy – Trò”: 
 
“Trống to tựa tấm lòng Thầy
Hai bên trống nhỏ nghĩa đầy Trò ngoan
Thầy tung, Trò hứng rộn ràng
Lúc khoan, lúc nhặt thêm tràn ngẩn ngơ
Thầy thương trò nhỏ ngây thơ
Trò thương Thầy, chẳng bao giờ quên ơn
Tùng, tang tiếng trống dập dồn
Tình người - tiếng trống cội nguồn nở hoa!”
 
Luận về “Mùa hạ”:
 
“Hè về ran tiếng ve kêu
Ngồi nghe Mùa Hạ ra chiều thú đây!
Mõ reo như tiếng lá cây,
Hoà ca chiêng, trống ta say mất rồi!
Vang vang sanh sứa tuyệt vời
Trống vô ngôn vẫn đẹp lời tri âm!”
 
Luận về “Vó ngựa cấp báo”: 
 
“Vó ngựa dập dồn khắp nẻo xa
Trống rung nhạc ngựa rộn trăm nhà
Mang tin cấp báo nơi nào đến?
Ai cũng nôn nao náo nức mà!
Lục lạc từng hồi mong tới kịp
Tiếng chiêng, tiếng mõ rợn làn da
Kìa ai nhỏ máu trên thân trống?
Trẻ mãi đôi tay chẳng biết già!”
 
 
Phù Đổng chơi trống trên cả tuyệt vời! Từng tiếng trống như dội vào tim khán giả, từng động tác nhịp nhàng với tiếng trống quyến rũ ánh nhìn của khán giả. Còn khán giả cũng thật dễ thương, họ hoà chung sự thú vị của mình bằng cách hưởng ứng nhiệt tình qua cái lắc đầu theo nhịp trống, qua cái vỗ nhịp của đôi chân, cái cử động không yên của đôi tay, dường như cả khán giả và nghệ sĩ muốn cùng nhau đối đáp, cùng nhau đứng dậy để làm cho tiếng trống vang dậy hơn. Quả như lời GS Khê nhận xét: “Phù Đổng không chỉ chơi trống bằng đôi tay mình mà còn chơi trống bằng cả thân thể của mình, tâm hồn của mình!”. Trên sân khấu, họ không còn là họ ngoài đời nữa mà như những ngọn lửa đang bừng bừng rực cháy sáng ngời!
 
Chương trình trong phút bế mạc vẫn còn đó những dư vị của sự say mê, sự thích thú và cả sự yêu thương. Không một khán giả nào nỡ bước chân ra về mà còn nán lại đôi chút để nhìn ngắm cái sân khấu giản đơn mà không đơn giản tí nào – nơi mà trước đó vài phút đồng hồ họ đã tận mục sở thị những nét nhạc “độc nhất vô nhị” của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Xin được lấy đôi lời của GS Trần Văn Khê để bày tỏ tình cảm của mình dành cho trống dân tộc:

“Việt Nam không chỉ có nhã nhạc, ca trù, cồng chiêng, mà còn có cả nghệ thuật trống đặc sắc, mang đậm tâm hồn Việt. Làm sao để mình không tự ti, mang tất cả những đặc sản đó cho thế giới thưởng thức. Thế giới khi hội nhập không hề muốn đến Việt Nam xem đánh trống jazz hay như người Mỹ da đen, mà là để thấy cá tính Việt Nam như thế nào. Để nghệ thuật trống phát triển, chúng ta bảo vệ truyền thống chứ không nệ cổ, đó chính là khi sinh lực âm nhạc Việt Nam trở lại.”

KHÁNH VÂN

1 nhận xét:

  1. trantruongca wrote on Oct 18, '08

    Tuyệt vời !

    Thầy chưa đọc bài tường thuật nào làm Thầy chảy nước mắt như đọc bài của con. Chính xác, đầy đủ trong chi tiết, có nhiều thuật ngữ trong nghề Trống được ghi lại. Có những bài thơ tả nổi xúc động của một thính giả sành điệu tri âm với người đàn tri kỷ, với người giới thiệu.

    Thầy xúc động quá không tìm ra lời để khen con Khánh Vân ơi!!!!!

    Thầy Trần Văn Khê

    Trả lờiXóa