"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"
"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"
(Một chữ là Thầy mà nửa chữ cũng là Thầy!)
Vâng, tôi vẫn giữ mãi câu châm ngôn này.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã có những kỷ niệm đẹp với các Thầy, Cô giáo môn học mà mình yêu thích ở trường và giữ mãi những kỷ niệm đó theo ngày tháng. Tôi cũng vậy nhưng có điều khác hơn một chút là người Thầy tôi muốn kể cho các bạn trong bài viết này là người đã dìu dắt, và đi cùng tôi suốt cuộc sống cho đến tận bây giờ dù tôi đã "đủ lông đủ cánh" để bay cao, bay xa, và đứng vững trên đôi chân của mình...
Thầy và tôi những ngày đầu....
Ngay từ bé tí, tôi đã được nghe và thấm nhuần những câu hát dân ca, những tiếng đàn Tranh réo rắt, mời gọi mỗi ngày. Nhận thấy khả năng âm nhạc của tôi, Thầy đã cho tôi tập làm quen với cây đàn Tranh cùng với các học trò khác. Tôi say sưa tập luyện theo từng tiếng nhấn, tiếng láy, tiếng rung-mổ dây của Thầy... Có lẽ vì tính hiếu động như con trai nên tôi chóng chán đàn Tranh, tôi thích mình được học những loại đàn "gõ lung tung" như Tam Thập Lục, như Trống... Thế rồi tôi xin Thầy cho tôi chuyển sang đàn Tam Thập Lục - nhạc cụ với 2 que nhỏ xiú gõ gõ trên dây đã "mê hoặc" tôi - với lời hứa vẫn sẽ theo học đàn Tranh. Thời đó, không thể có tiền để mua được cây đàn thật nên Thầy đã giúp tôi đóng một miếng ván nhỏ với 2 hàng đinh 2 bên để tôi căng những cọng dây thun qua lại. Không vì thế mà làm tôi nản, tôi say sưa hát xướng âm theo bài học và tay thì gõ liên hồi trên dây thun... Một vài năm sau đó, Thầy đã giúp tôi mua được chiếc đàn cũ. Các bạn biết không, tôi đã quá sung sướng và hăng say lao vào tập luyện để gọi là "trả công" Thầy đã giúp đỡ. Vào một ngày mùa Thu năm 19xx, Thầy hồi hộp dắt tay tôi vào Trường Nhạc Viện TPHCM để thi tuyển. Hôm đó là một ngày chẳng có "sương thu gió lạnh" hay "những đám mây bàng bạc trên không" như tôi từng đọc trong tác phẩm Tôi Đi Học của nhà văn Thanh Tịnh... Chỉ biết là tôi run, Thầy cũng run khi nhìn tôi bước vào phòng thi trước Ban Giám Khảo Trường. Tin tôi được trúng tuyển đã làm Thầy tôi sung sướng và hãnh diện ra mặt. Để thưởng cho "thành quả vĩ đại" đó, tôi được dẫn đi ăn kem Hồ Con Rùa và đi chơi phố Nguyễn Huệ xem nước phun. Sau khi vào trường, tôi đã phải "vật lộn" với lịch học ngày 2 buổi dày đặc; sáng học chuyên môn - kiến thức âm nhạc, chiều học văn hoá... Nhiều lúc tưởng là không thể theo nổi nhưng may mắn thay Thầy đã luôn bên cạnh nhắc nhở, động viên và khuyến khích. Có những điều thắc mắc ở trường, ở lớp tôi đều về thảo luận với Thầy và luôn nhận được ý kiến khen-chê chân thật nhất. Sau 11 năm theo học tôi cũng đã tốt nghiệp hạng ưu - đó là lời cảm ơn sâu sắc nhất của tôi dành tặng cho Thầy, người mà tôi luôn nể phục...
Thầy và tôi trong cuộc sống thường...
Nếu như trong nghề nghiệp Thầy hay nói "Thầy được tổ đãi" thì trong cuộc sống, Thầy cũng đã như "viên ngọc quý" sáng soi cho tất cả học trò gần-xa, và ngay cả những học trò mà Thầy chưa từng gặp mặt mà chỉ là qua emails, qua phones... Thầy có cuộc sống khá vất vả nhưng chẳng kém lạc quan, yêu nghề và luôn tin rằng âm nhạc dân tộc nước nhà sẽ hồi phục và sẽ mạnh mẽ như những nước khác trên thế giới. Quan niệm cuộc sống của Thầy là: "Có đức mặc sức mà ăn!" Những khi học trò cần, ngay cả giữa khuya, nếu có thì Thầy cũng sẵn sàng trả lời, giúp ý kiến mà không nề hà. Trong nghề nghiệp, Thầy khó với học trò từ từng câu nhấn, từng tiếng đàn... bao nhiêu thì trong cuộc sống Thầy lại xuề xoà, giản dị, bao dung bấy nhiêu. Thầy luôn nói: "Trong cuộc sống, hãy khó với chính mình, dễ với người!". Vâng, mỗi ngày qua đi là tất cả học trò, trong đó có cả tôi, đều học được những "bài học mới" từ Thầy. Có gần Thầy mới thấy được sự thương yêu, quý trọng, kính mến của các học trò cũ/mới đối với Thầy. Mỗi ngày Thầy nhận được hàng tá thư thăm hỏi, thư đặt câu hỏi về âm nhạc dân tộc và Thầy đã kiên nhẫn viết trả lời từng thư một rất chi tiết, cụ thể. Thầy luôn nhắc tôi: "giúp ai được caí gì thì giúp hết mình con nhé!". Vâng, có thể nói là tôi đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ Thầy để tôi có được ngày hôm nay, có chỗ đứng trong giới nghệ thuật, và có những bạn bè tâm giao hiếm, quý. Với Thầy, tôi luôn là một cô học trò bé bỏng và luôn cần được chở che, bảo bọc...Thầy luôn khuyến khích tôi học thêm những điều hay, điều mới trong cuộc sống để tôi có thể đứng vững vàng hơn, tự lập hơn. Thầy tôi là vậy đó các bạn ạ...
Đọc đến đây chắc các bạn rất muốn biết người Thầy của tôi là ai. Vâng, người Thầy đỡ đầu tôi từ bé tới giờ, người mà đã luôn sát cánh đồng hành với tôi trong cuộc sống khi vui cũng như khi buồn - đó cũng là người Mẹ mà tôi luôn dành sự thương yêu, kính trọng nhất - Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan. Với tôi, tất cả các bà mẹ trên thế giới đều là những người Thầy tận tâm nhất, dịu dàng nhất, nghiêm khắc nhất và cũng hy sinh nhiều nhất cho các "học trò nhỏ" của mình. Phải vậy không các bạn?
@HẢI YẾN
![](https://scontent-b-hkg.xx.fbcdn.net/hphotos-xfa1/t1.0-9/316204_280774281954903_423077533_n.jpg)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét