Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

TIẾNG ĐÀN ĐÊM TRĂNG

TIẾNG ĐÀN ĐÊM TRĂNG
Trăng lên qua những lũy tre 
Tiếng đàn trầm bổng đêm về nỉ non 
Ngân lên nốt nhạc vuông, tròn 
Khúc Nam-Ai-Đảo vẫn còn say sưa 
Tình ca Xứ Huế nhặt, thưa 
Kim Tiền-Lưu Thủy đẩy đưa gọi mời 
Đàn-Trăng hoà quyện mây trôi 
Nửa đêm thánh thót một trời âm thanh...
Hải Yến

So dây

So dây

Đêm nào người đã so dây 
Rung lên phím nhạc đắm say một trời! 
Câu rao lơi lả tuyệt vời 
Nghe lòng tự tại, nghe đời rất duyên! 
Trăng về mơ giấc ru tiên 
Hỏi người gẩy mộng bên hiên hoa đào 
"Nam Xuân" là tiếng ra vào 
Năm cung giữ những ngọt ngào hoan ca 
"Nam Ai" lệ sắp sầu sa 
Tay người đặt nỗi diết da tim mình 
Đêm trăng hoài tưởng bóng hình 
Phím tơ tay ngọc chút tình gửi trao...

KV thương tặng
 

Còn đó những người yêu nhạc dân tộc

 Còn đó những người yêu nhạc dân tộc

Nằm ngay trung tâm thành phố, Cung Văn Hóa Lao Động TP.HCM, nơi "nương tựa" của CLB Tiếng Hát Quê Hương trong hơn 20 năm qua. Được NSƯT Thúy Hoan thành lập, dẫn dắt và GS Trần Văn Khê đỡ đầu về nghệ thuật, CLB đã bền bỉ đào tạo nhiều thế hệ nhạc công dân tộc cho phong trào, phát hiện và cung cấp những năng khiếu âm nhạc cho nhạc viện, mở rộng giao lưu quốc tế, đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới như Đức, Nhật, Pháp, Malayxia…

Mùa hè năm nay, CLB mở các lớp học đàn nguyệt, sáo trúc, đàn bầu và dân ca miễn phí cho những người trẻ tuổi (từ 13/5 đến 12/8/2007).

Nơi đây, vào mỗi sáng Chủ nhật, rộn vang những giai điệu âm nhạc dân tộc, thật bất ngờ, lớp học sáo với 50 học viên, lớp đàn nguyệt 22, đàn bầu gần chục người, lớp dân ca với hơn 60 người…Điều đặc biệt tất cả còn rất trẻ, đa số là sinh viên, học sinh. Bước vào lớp học dân ca, cảm giác ban đầu có vẻ hơi " lạc điệu" khi ta vừa rời đường phố nhộn nhịp, cấp tập của Sài Gòn. Nhưng ngồi nghe một lúc, chất dân ca như thấm dần, rồi bị cuốn vào những giai điệu mộc mạc, trữ tình, da diết. Có lẽ cũng chính vì vậy mà trong không khí khá oi bức (phòng không có quạt máy, quạt trần), các học viên ngồi kín căn phòng, tràn ra cả hành lang vẫn say sưa hát. Một CLB âm nhạc dân tộc giữa "thánh địa" nhạc nhẹ vẫn có hàng trăm bạn trẻ đến sinh hoạt, học tập. Rời Cung Văn Hóa Lao Động tôi vẫn tin rằng còn rất nhiều bạn trẻ muốn đến với âm nhạc dân tộc, như lời của học viên Mỹ Loan ngồi cạnh tôi "Tuổi trẻ đâu phải tất cả chỉ biết pop/rock…"

 
Bình Minh
Báo Thể Thao Văn Hóa – Số 70 (1984)

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

25 năm đàn cò trắng bay xa

25 năm đàn cò trắng bay xa

 


Tối 25/8/2006, tại Nhà hát Bến Thành, CLB Tiếng Hát Quê Hương mừng "ngân khánh" (lễ bạc) 25 năm sinh nhật bằng một chương trình ca nhạc đặc biệt. Những thành quả của "thương hiệu nghệ thuật" này suốt 25 năm qua thật đáng trân trọng...

Ngày đó, năm 1981, tại Trường THCS Triệu Thị Trinh (Q.10, TP.HCM) có hai bé gái là chị em ruột đang theo học. Mẹ của hai bé là Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, đang là Phó chủ nhiệm khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TP.HCM nên chị hay giúp trường dàn dựng những chương trình văn nghệ học đường, rồi dần dần hình thành một nhóm học sinh chuyên biểu diễn nhạc cụ dân tộc (trong đó có hai cô con gái của chị). CLB Tiếng Hát Quê Hương (THQH) ra đời từ đó...

Ba mẹ con: NGƯT Phạm Thúy Hoan (sáng lập THQH) cùng NS Hải Phượng và Hải Yến

Rồi vượt khỏi khuôn viên ngôi trường, năm 1984 THQH được Nhà văn hóa Lao động (sau này nâng thành Cung văn hóa Lao động) nhận về để trở thành một CLB thành viên trực thuộc và tạo mọi điều kiện để THQH không ngừng phát triển. THQH trở thành một "thương hiệu" đầy uy tín trong lĩnh vực bảo tồn, phổ biến và phát triển âm nhạc dân tộc. Ngoài những giải thưởng cao cấp toàn quốc, cấp thành phố - THQH còn là "sứ giả" cấp... quốc tế. Qua mối quan hệ đồng môn của chị Phạm Thúy Hoan, THQH đã có sự giao lưu, trao đổi nghệ thuật với các nhóm dân ca - dân nhạc gốc Việt ở nước ngoài: Phượng Ca, Quê Hương (Pháp), Nam Giao (Bỉ), Tiếng Vọng Quê Hương (Mỹ), Lạc Hồng (Canada)... Từ đó THQH ở Việt Nam là nơi để những người đủ mọi quốc tịch đến "tu nghiệp" nâng cao tay... đàn (tranh, bầu...): Pièrre, Stéphan (Bỉ), Dominique Dupont (Pháp), Sachi (Nhật), Stucki Thụy Hằng (Thụy Sĩ)... Đặc biệt, chính THQH là tác nhân chính để Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Nhạc hội đàn tranh châu Á (tháng 9/2000), một dịp hiếm hoi để khán giả có thể thưởng thức, chiêm ngưỡng và đối chiếu các cây đàn thuộc họ đàn dây Zither: đàn tranh (Việt Nam), guzheng (Trung Quốc và Singapore), koto (Nhật Bản), komugo và kayagum (Hàn Quốc), yatga (Mông Cổ)...

CLB Tiếng Hát Quê Hương (ảnh: T.L)

25 năm qua (1981-2006), THQH đã đào tạo hàng trăm khóa đàn tranh, đàn bầu... học viên gồm đủ các thế hệ (hầu hết là nữ), từ lão bà "cổ lai hy" cho đến các bé gái nhi đồng. Từ hồi còn bôn ba hải ngoại, GS-TS Trần Văn Khê đã là "ông ngoại" thân thiết của CLB, lần nào về nước ông cũng biểu diễn chung với THQH. Hình ảnh một vị giáo sư tuổi bát tuần, vang danh quốc tế ngồi đàn chung với một bé gái đáng tuổi chắt sao mà xúc động!

Không chỉ đào tạo chuyên môn về khí nhạc mà Hải Phượng là con chim đầu đàn, THQH còn có nhóm múa Hoa Bách Hợp, còn có những giọng hát mang đậm "dấu ấn" THQH: Lý Thu Hiền, Đức Tâm, Thái Hòa, Tố Lan, Kim Luyên, Hạnh Nguyên, Thái Sơn... Còn có 2 chi nhánh THQH ở Mỹ (Hải Yến phụ trách) và ở Đức (Tina Phạm phụ trách).

Lần nào cũng vậy, buổi diễn của THQH sẽ được NGƯT Phạm Thúy Hoan bắt nhịp kết thúc bằng điệu Cò lả: "Con cò cò bay lả lả bay la. Bay qua là qua cửa phủ, bay về là về Đồng Đăng. Tình tính tang...". Vâng, mỗi thành viên CLB THQH là một cánh cò, họ không đài các và nhởn nhơ như bầy thiên nga mà họ kiên trì lao động, chịu thương chịu khó suốt 25 năm qua trên cánh đồng dân ca - dân nhạc bao la. Và, bầy cò sẽ bay vút, thẳng cánh...

Hà Đình Nguyên

24/08/2006 
Theo Thanh Niên Online